Monday, May 9, 2011

XÂM NHẬP NÚI CƠ RỐC

XÂM NHẬP NÚI CƠ RỐC

        Trong mùa hè năm 1970, là một quân nhân trong Bộ Chỉ Huy Bắc (CCN), trại Villa Rosa ngoài Đà Nẵng, trung sĩ nhất Robert Noe cùng với mấy binh sĩ người Thượng trong toán biệt kích SOG đã hoàn tất nhiệm vụ bảo vệ đài tiếp vận truyền tin nằm sâu trong vùng đất của địch, có tên là Hickory Radio Relay, trên đỉnh núi cao độ 950(m) nhìn xuống thung lũng Khe Sanh, và về hướng tây phi đạo của căn cứ Khe Sanh.
        Xa khỏi thung lũng về hướng tây nam có một rặng núi có tên là Cơ Rốc, phiá bắc là vùng Phi Quân Sự. Đài tiếp vận nằm cô đơn trong vùng địch kiểm soát, Hickory Radio Relay bị một tiểu đoàn quân đội Bắc Việt tấn công, tràn ngập đêm 4 rạng ngày 5 tháng Sáu năm 1971. Trong trận này trung sĩ nhất Robert Noe hy sinh, và trung sĩ nhất Jon Cavaini bị bắt, được trả tự do trong chiến dịch “Trở Về” (Home Coming) tháng Tư năm 1973. Quân đội Hoa Kỳ nghĩ rằng Cavaini đã tử trận nên ân thưởng anh ta huy chương Danh Dự (Medal of Honor).
        Sau khi nhóm bảo về đài tiếp vận truyền tin Hickory trở về bộ chỉ huy Bắc, trung sĩ nhất Noe được đề cử chức thường vụ một trung đội, và những binh sĩ Thượng được bổ sung vào đại đội A, đại đội xung kích, tiếp ứng (Hatchet Force) cho các toán biệt kích SOG. Trung đội xung kích được lệnh nhẩy xuống (trực thăng vận) đỉnh ngọn núi Cơ Rốc ngày 19 tháng Bẩy năm 1970. Trong trung tâm hành quân (TOC), trung úy (quên tên) trung đội trưởng nói với trung sĩ nhất Noe “Phe mình cố gắng đưa một toán biệt kích SOG vào dưới chân núi Cơ Rốc và trung đội xung kích của mình sẽ đánh từ trên đỉnh núi xuống, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thành công. Toán biệt kích nào ‘vào’ cũng ‘dội’ trở ra vì địch phản ứng mạnh mẽ. Bây giờ cấp chỉ huy ở trên phải tìm cách khác”.
        Trong phần thuyết trình, trung đội xung kích được cho biết, không lo vấn đề địch quân, vì họ sẽ “nổ tung” ra dưới điạ ngục. Theo kế hoạch, đỉnh núi sẽ bị thả bom liên tục 24 tiếng đồng hồ, trước khi trực thăng đưa trung đội xung kích vào. Khi viên trung úy cùng với Noe ra khỏi trung tâm hành quân, người sĩ quan trung đội trưởng nói với Noe “Không phải đơn giản, địch quân đào hầm rất sâu... ném bom cỡ nào cũng không ăn thua”.
        Cả hai người đều nghĩ rằng, đây là một cuộc “Hành quân tự sát”, nhưng thực ra chuyến hành quân nào của đơn vị SOG... cũng đều tự sát! Khi tập họp trung đội xung kích, cả hai quân nhân Hoa Kỳ đều không cần phải nói nhiều về nhiệm vụ của trung đội, các binh sĩ người Thượng đã biết rành khu vực hành quân “Trung sĩ. Ông điên rồi! Tất cả chúng ta đều chết!”. Đó là cách phát biểu cảm tưởng của binh sĩ Thượng. Hai quân nhân Hoa Kỳ thầm nghĩ, mình nên viết lá thư cuối cùng gửi về cho gia đình.
        (Tin tức mới nhất khi tài liệu đã hết thời gian bảo mật đã cho rằng, cảm tưởng của quân nhân trong trung đội xung kích là đúng. Trong quyển sách “SOG – Behind the Enemy Line”, tác giả Harve Saal, viết năm 1990, do nhà xuất bản Edwards Brothers phát hành, cho rằng ngọn núi Cơ Rốc nằm trên đất Lào, và chân núi là đường biên giới Việt-Lào. Trong những tài liệu trước đây về đơn vị SOG, chính đơn vị SOG cho in bản đồ gỉa, sai lạc để dễ chối cãi... đi lạc...)
        Trong năm 1968, quân đội Bắc Việt đã dấu những khẩu đại bác của họ nơi hướng đông của rặng núi Cơ Rốc, hướng về căn cứ Khe Sanh. Họ đào hang sâu vào sườn núi, để nếu cần, đẩy khẩu súng vào để tránh bị ném bom. Những khẩu súng đại bác này, Không Lực Hoa Kỳ thả bom cỡ nào cũng không ăn thua, kể cả phi cơ B-52. Pháo binh Hoa Kỳ bắn chỉ rơi xuống chân núi.
        Lúc đó, Noe chỉ nhớ tên một quân nhân Hoa Kỳ khác, trung sĩ Samuel R. Snyder, quen biết từ căn cứ Fort Bragg. Snyder đã tham dự nhiều hành quân của bộ chỉ huy Bắc (CCN), đơn vị SOG, sau đó cũng được đưa về đại đội A xung kích, khi trung sĩ Martin Arbeit, cũng là bạn của Noe tử trận hôm 24 tháng Mười Một năm 1970.
        Trung đội xung kích được đưa ra căn cứ hành quân tiền phương 1 ngoài Quảng Trị. Hai tiểu đội do trung sĩ Snyder chỉ huy được trực thăng đưa đến phi đạo cũ của căn cứ Khe Sanh (nằm trừ bị). Trực thăng trở về đón trung sĩ nhất Noe, viên trung úy và hai tiểu đội còn lại, đưa vào đỉnh núi Cơ Rốc.
        Theo kế hoạch, một trực thăng chở trung sĩ nhất Noe cùng sáu binh sĩ người Thượng sẽ vào trước, viên trung úy trung đội trưởng cùng sáu người khác vào tiếp theo, cuối cùng là một trực thăng chở những binh sĩ còn lại của trung đội. Nhưng khi bay lên, các trực thăng vào đội hình bay đến mục tiêu đỉnh núi Cơ Rốc, kết qủa lộn xộn, chiếc trực thăng chở viên sĩ quan sẽ vào mục tiêu trước.
        Khi hợp đoàn trực thăng đến gần núi Cơ Rốc, các phi tuần phản lực Hoa Kỳ vẫn còn đang đánh bom và chiếc phi cơ thám thính “điều không” FAC ra lệnh cho hợp đoàn trực thăng chở đơn vị xung kích SOG chờ ở phiá xa. Các quân nhân SOG được chứng kiến trận oanh kích từ xa. Nhìn xuống, khu vực thung lũng Khe Sanh, một mầu xanh của lá cây, của núi rừng và những làn gió lạnh thổi vào bụng chiếc trực thăng.
        Ngồi trên chiếc trực thăng bay ở giữa đội hình, trung sĩ nhất Noe nhìn trận đánh bom, suy nghĩ miên man, những gì đang chờ đợi trên đỉnh núi Cơ Rốc. Khoảng mười lăm phút sau, hợp đoàn trực thăng được chiếc FAC cho biết không phận núi Cơ Rốc đã “dọn dẹp” (clear) xong, có thể bay vào.
        Chiếc thứ nhất chở theo viên trung úy, trung đội trưởng, bắt đầu giảm cao độ bay vào, theo sau là chiếc thứ hai có trung sĩ nhất Noe. Hợp đoàn trực thăng bay vòng qua phần đất Lào, từ hướng tây bay lên đỉnh núi Cơ Rốc. Đỉnh ngọn núi từ từ hiện rõ ra, to lớn, trong lúc phi công chỉ giữ độ cao hơn mặt đất chừng hai thước để binh sĩ có thể nhẩy xuống.
        Chợt Noe nhìn xuống đỉnh ngọn núi vẫn còn bốc khói sau trận oanh kích, rồi một người lính Bắc Việt, từ trong rặng cây bước ra với khẩu B-40 bắn trúng chiếc trực thăng dẫn đầu. Quả hỏa tiễn nổ tung làm chiếc máy bay bốc cháy, viên phi công cố lái chiếc trực thăng rẽ qua hướng khác, nhưng không điều khiển được nữa. Chiếc trực thăng rơi xuống phiá bên kia chân núi, trên đất Lào.
        Chứng kiến những gì xẩy ra cho chiếc trực thăng bay trước. Chiếc trực thăng thứ hai bắt đầu trúng đạn súng tiểu liên, viên phi công cố gắng điều khiển bay lên cao, nhưng tốc độ bay vào bãi đáp vẫn còn nhanh, đã vào đến giữa đỉnh đồi. Đúng lúc đó một binh sĩ người Thượng chồm người lên định nhẩy ra (theo đúng kế hoạch, lệnh lạc), trung sĩ nhất Noe phát hoảng, hét thật to, vội vàng túm lấy sợi dây đeo ba lô của anh ta. Sức nặng của người lính Thượng làm cả hai người gần rơi ra khỏi trực thăng. May thay, một chân của Noe vẫn còn quặp lấy càng trực thăng, và người binh sĩ Thượng nắm được càng trực thăng đong đưa.
        Chuyến “đổ bộ” lên đỉnh núi Cơ Rốc phải hủy bỏ, chiếc trực thăng chở trung sĩ Noe cùng hai chiếc chở binh sĩ Thượng, quay trở về căn cứ hành quân tiền phương (FOB 1). Ngay tức khắc một toán biệt kích SOG “Bright Light” (chuyên môn đi cấp cứu, kể cả phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi ngoài miền bắc Việt Nam) được đưa vào nơi chiếc trực thăng bị rơi để cứu, hoặc thâu hồi tử thi quân nhân Hoa Kỳ.
        Trung sĩ nhất Noe cho biết, toán biệt kích Bright Light xâm nhập thật nhanh, đem về được các quân nhân Hoa Kỳ. Anh ta chỉ biết sơ sơ... có người chết, riêng trung úy trung đội trưởng xung kích vẫn còn sống, nhưng bị gẫy xương sống.

Dallas, TX.

No comments:

Post a Comment